CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

  Năm tháng tĩnh lặng, kiếp này bình yên


Phan_13

Khúc thứ ba: Mộng cũ cầu mái

Liệu có người nào vì hoài niệm, mà viết một câu chuyện chưa từng xảy ra thành quá khứ? Như thể đến cầu mái An Thuận của Thành Đô, tôi và nó chưa từng gặp gỡ, nhưng lại muốn tìm một giấc mộng đã lạc mất ở nơi này. Không biết rằng khi tôi khe khẽ bước vào, rốt cuộc là lần đầu gặp gỡ hay là khoảnh khắc trùng phùng?

Cầu mái An Thuận, một cây cầu theo lối cổ điển, tường bao màu xanh, cột màu đỏ, ngói đen hiên cong vút, bình thản cùng với Hợp Giang Đình chiếu rọi lẫn nhau. Dòng sông Phủ Giang dưới chân cầu mải miêt trôi không ngừng nghỉ, lặng lẽ chảy xuyên qua những giỏ mây lịch sử, mưa khói nhân tình của Thành Đô. Rất nhiều người đi qua cầu mái, nhưng những người nhớ đến nó thì thật hiếm hoi. Nơi đây cất giữ vô số những lần quay mình hoa lệ, và còn có cả những cái ngoái nhìn trong veo.

Thân cầu tựa như một dải cầu vồng, nhìn tưởng rất xa, nhưng kỳ thực lại ở rất gần, nó cúi nhìn dòng nước biếc chầm chậm trôi, lại độ lượng trông trời mây thăm thẳm. Cầu mái, cho dù đã được người đời sau chuyên tâm tu sửa, đổi lấy một dung nhan mỹ lệ, nhưng vẫn không giấu được biết bao chuyện cũ tang thương. Không biết Lý Bạch có từng vớt trăng sáng ở đây, Đỗ Phủ có chống chèo nhìn xa dưới chân cầu, Lý Thương Ẩn có ngâm vịnh mưa đêm Ba Sơn nơi này, và dòng sông này có tương thông với linh hồn suối Hoán Hoa của Tiết Đào hay không?

Cầu mái là nơi xây mộng, chúng ta có thể gửi mơ ước của mình vào nơi đây, chuyển qua mấy năm xuân thu, lại đên đây để tìm về giấc mộng. Mà trong mộng đã ủ một loại hương thơm ngàn năm. Người đi qua cầu mái đã tìm thấy giấc mộng của mình ở nơi này, đến phút cuối, vẫn là lựa chọn ly biệt trong nụ cười mỉm, bởi vì ra đi, là để lại có thêm một lần tụ hội trong nước mắt đong đầy. Như thuyền bè trôi nổi dưới chân cầu, có lẽ chúng ta đã từng đậu lại, nhưng vẫn phải chèo thuyền rẽ sóng nước mênh mang, để đối diện với mây sớm mưa chiều.

Chính vận mệnh đã in những dấu ấn đậm nhạt khác nhau trên cầu mái, lại truyền sự ấm lạnh cho mỗi người đi đường. Ở nơi này, họ đã từng yêu sâu sắc, khắc cốt ghi tâm những gì đã từng có. Khi ấy, họ vẫn trên cầu, ngắm én chao như dao cắt, nhìn ánh xuân tựa năm xưa, ngắm vịnh hoa nơi nhân thế dần lùi xa.

Thời gian quả thật trôi qua vội vã, chính trong khoảnh khắc chúng ta trầm tư, chớp mắt thôi mà đã đèn đuốc sáng trưng. Lúc này, cầu mái trong màn đêm đã nhạt dần vẻ thanh nhã tự nhiên, mà trở thành một tòa cung khuyết lung linh sắc màu trên mặt nước. Còn tôi đứng dưới bầu trời sao lấp lánh, cảm nhận một sự tĩnh mịch lặng yên đến xa vời.

Có lẽ sẽ có một ngày, cầu mái cũng già đi, nhưng dòng Phủ Nam chảy dưới chân cầu vẫn lặng lẽ đợi chờ một giấc mộng xưa về cầu mái quay về, trong ký ức già nua của nó.

Ngắm qua ngàn vạn phong cảnh, Thành Đô giờ đây vẫn chỉ là gió thoảng mây trôi. Dưới ánh chiều bàng bạc, nó không một chút mỏi mệt, mà vẫn tỏa ra mây khói nhàn nhạt lững lờ. Không cần vì một chút xúc động mà cố chấp đợi chờ, bởi vì, thời gian của Thành Đô vĩnh viễn thanh đạm nhàn tản. Ly biệt của ngày hôm nay, hà tất phải để lại sự bồi hồi lưu luyến? Sát na mà tôi quay người đi, một đóa phù dung tao nhã đã từ từ hé nở trong tim.

Mây khói thảo đường

Vốn cho rằng chỉ có sinh ra vào triều Đường, phải đầy bụng thơ văn, hơn nữa phải có cơ duyên mới có thể đến được thảo đường[4] của Đỗ Phủ. Nhưng nghìn năm sau, tôi không hề gõ cửa, mà cánh cửa của thảo đường tự mở đón chào tôi. Mang theo lòng thành kính là có thể thoải mái bước qua ngưỡng cửa đó, cùng thảo đường trải qua thời gian một ngày, cùng chung một nỗi tâm sự.

[4] Nhà đọc sách, trai phòng của các thi nhân, văn nhân được gọi là thảo đường.

Thả bước giữa một vùng phong cảnh u tĩnh, thảo đường mộc mạc cổ kính này tựa như chất chứa ký ức lịch sử sâu xa, nhưng cũng cơ hồ như chẳng có điều gì, chỉ là ngày tháng mênh mang như nước. Giờ đây, tôi nhìn thấy một đám mây trắng đang mỉm cười, trong bụi cỏ còn có một chú dê đang rỉ rả kêu.

Mây trôi qua nghìn năm, câu chuyện cũ đất Thục Trung đã sạch trơn mây khói. Trúc biếc rợp bóng con đường lát đá, tôi đi ngang qua, chỉ nhìn thấy chiếc bóng của thời gian. Sự yên lặng xa thẳm của nơi đây, tuy ở bên ngoài nhân thế, nhưng thanh nhã thoát tục, nghiễm nhiên là chốn cố hương của những linh hồn đau khổ. Năm đó, Đỗ Công Bộ[5] vì tránh loạn An Sử, dời nhà đến đất Thục, dựng thảo đường ở Thành Đô. Ông tỉnh dậy sau một giấc mộng tan nát, mặc dầu hơi ấm trên giường vẫn còn đó, nhưng câu chuyện trong mộng đã nguội lạnh. Ông mang theo tráng chí ngút trời “Hội đương lăng tuyệt đỉnh, nhất lãm chúng sơn tiều” (Lên chóp đỉnh mà trông, lè tè muôn núi dưới[6]) lặn lội đến Trường An, nhưng không biết rằng thời cơ đã muộn, màn kịch lớn xuân thu đinh thịnh của triều Đường đã gần đi đến hồi kết.

[5] Đỗ Công Bộ: Một tên gọi khác của Thi thánh Đỗ Phủ.

[6] Trích bài “Vọng nhạc” kỳ nhất của Đỗ Phủ, Khương Hữu Dụng dịch.

Dù cho người đẹp như mây tụ hội bên dòng Khúc Giang, khách thơ chật chỗ trong các quán rượu Trường An, vòng hoa trước trán quý phi vẫn lóng lánh chói mắt, nhưng thiên tử Đại Đường đã không còn chói lọi vạn trượng như năm nào. Một thân ngựa gầy cõng lý tưởng và gánh nặng nặng trĩu, đến bụi trần cũng không thể phủi đi được. Cửa nhà quan đóng kín im im, khiến bạn thấm thía cái lạnh lẽo “Quan cái mãn kinh hoa, tư nhân độc tiều tụy.” (Nào lọng che nào mũ đội đầy rẫy khắp kinh đô, sao người ấy bơ phờ riêng một kiếp[7]) Trường An liễu biếc oanh kêu, Trường An vàng son rực rỡ, ngươi thỏa mãn tâm nguyện hùng vĩ của biết bao nam nhi tan nát như tro tàn.

[7] Trích bài “Mộng Lý Bạch”, kỳ nhị của Đỗ Phủ, Trần Tuấn Khải dịch.

Cho dù không cam tâm biết mấy, nhưng đối diện với sự chìm đắm của vận mệnh, sự thất thủ của Trường An, ông chỉ có thể vứt bỏ danh vọng cao chạy xa bay, say mèm quay về đất Thục, lạc phách trở về đồng hoang. Ông không thể như Trích tiên khách (Lý Bạch), tuy giấc mộng Trường An tan vỡ, vẫn có thể du hiệp giang hồ, tự do bay nhảy; có thể cưỡi mây cưỡi gió, cúi nhìn trận chiến tranh này. Cũng chẳng thể như Đào Tiềm, kinh qua chìm nổi quan trường, rốt cuộc quay về quy ẩn Nam Sơn, chỉ làm mấy mẫu ruộng vườn. Thảo đường năm đó - há chẳng phải ngươi đã như vậy hay sao?

Rừng trúc sâu thẳm, cửa gỗ khép hờ, ngòi bút gầy guộc của ông vẫn từng nét từng đường khắc lên những áng thơ trang trọng của lịch sử. Căn nhà tranh thô lậu đơn sơ này, sao có thể gánh được đại sự thiên hạ, oán hận quốc gia mênh mông đó? Ông hy vọng thảo đường này có thể trở thành lâu đài thênh thang, có thể che chở cho hàn sĩ thiên hạ, muôn vàn bách tính. Thế nhưng phong hoa thịnh thế của Đại Đường, đã như nước chảy về đông, đường xưa dấu cũ của Trường An, đã càng ngày càng lùi xa.

Ông ngâm rằng “Bạch nhật phóng ca tu túng tửu, thanh xuân tác bạn hảo hoàn hương” (Ngày đẹp hát ngao thì chuốc rượu, trời xuân theo bước thẳng về làng[8]) thì cớ sao không từ bỏ được giang sơn cô tịch, ngao du trời mây vạn dặm? Đã biết “Văn chương tăng mệnh đạt” (Văn chương ghét mệnh đạt[9]), lại cớ sao không từ bỏ được công danh bút mực, vẫn lưu luyến nhiệt huyết anh hùng? Vị thánh thi tài rạng thiên cổ, tâm xót muôn dân này ắt hẳn không quên nổi ngày hôm qua phồn hoa của Trường An, không sống nổi những năm tháng bình dị tầm thường.

[8] Trích bài “Văn quan quân thu Hà Nam, Hà Bắc” của Đỗ Phủ, Doãn Kế Thiện dịch.

[9] Trích bài “Thu nhật hoài Lý Bạch” của Đỗ Phủ, Nam Trân dịch.

Đã sống ở thảo đường nhưng hào tình chẳng dứt, không chịu cầu an trong hơi men, say ngủ trước sân. Dưới ánh đèn xanh lờ mờ, ông khoác áo ngồi trông, chống tay ngắm sóng mây, bút đưa ngang ý thu dào dạt, văn thơ thành vạn quyển. Cửa sài[10] lúc chiều bảng lảng, có thể nhìn hết những gì tuyệt diễm chốn nhân gian, vầng mặt trời sắp lặn đó, còn có thể thắp sáng cuộc đời gió táp mưa vùi của ông không?

[10] Cửa sài: Cửa làm bằng tre, nứa, ám chỉ nhà nghèo.

Hải âu bị chặt cánh, không thể tự do bay vút tầng không; tướng sĩ cởi bỏ chiến bào, không thể rong ruổi cưỡi ngựa biên cương. Chỉ đưa cho ông một chiến thuyền, là tìm đến chốn về sâu thẳm ở chân trời góc bể. Thảo đường nhà tranh, tuy đơn sơ, nhưng cũng có phong cốt riêng của nó. Đỗ Công Bộ lúc này không còn ngựa khỏe vút phi, khí ngạo tâm cuồng, ý chí xung thiên như thời niên thiếu, mà chỉ là một ông già tóc đã điểm sương, thân hình gầy yếu.

Có lẽ là thời gian mềm dịu của Thành Đô, cảnh xuân tươi sáng của thảo đường dần dần đã xoa dịu những nếp nhăn tang thương trong đáy lòng ông, nếu không, sao ông có thể đứng bên bờ suối Hoán Hoa ngâm vịnh những dòng thơ thanh tân “Lưỡng cá hoàng ly minh thúy liễu, nhất hàng bạch lộ hướng thanh thiên” (Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc, một hàng cò trắng vút trời xanh[11]) đến vậy? Thả bước lên bờ suối xanh trong của thảo đường, dường như còn nhìn thấy bóng dáng dựa lan can buông cần mà say ngủ năm xưa của Đỗ Phủ. Cây cầu đá mưa khói đó, có ai đã bẻ cành mai bước qua, bỏ lỡ mây trắng tựa tuyết, lại phụ trăng sáng tùng thấp, chỉ vì lưu lại chút hương lạnh cách tuyệt thế gian này.

[11] Trích bài “Tuyệt cú” của Đỗ Phủ, Tản Đà dịch.

Suối lượn quanh co như số phận chìm nổi lênh đênh của thi nhân. Đôi tay buông cần câu được nước biếc, câu được mây nhàn, nhưng vẫn không bỏ được cây bút lớn, tấm lòng kinh bang tế thế không hề suy giảm so với năm nào. Chính ở thảo đường thanh u này, chính trong thời gian ẩn dật này, sáng tác thơ ca của Đỗ Phủ lại ào ạt như sông lớn, cuốn rôi gió mây lịch sử, rúng động lòng dân xã hội. Bút mực dạt dào, thấu triệt như đầm sâu, soi chiếu vạn vật sơn hà, muôn cảnh sinh linh, nhưng khó có thể nghịch chuyển càn khôn trong một vùng đất đai cằn cỗi, khó có thể níu giữ sóng cả bên vách núi hiểm trở cheo leo.

Biết bao lần khi màn đêm ập xuống, mỗi lần khêu đèn thắp sáng, chỉ vì đợi chờ một bình minh không còn xa xôi. Trong những tháng ngày mờ mờ tỏ tỏ ở thảo đường, ông không quên được hào tình mở miệng ra là ngâm vịnh phượng hoàng năm xưa, không quên được chí hướng “Trí quân Nghiêu Thuấn thượng.” (Giúp vua vượt Nghiêu Thuấn[12]) Cho dù cả đời không thể quay về Trường An lần nữa, ông cũng không chịu bỏ lỡ ngày tháng, trễ tràng xuân thu. Chỉ có ở nhà tranh thảo đường này, đem sinh mệnh đơn sơ, nghiên mài thành hương thơm của mực, để cho dân chúng thiên hạ cùng nếm thưởng nhân sinh trăm vị.

[12] Trích bài “Phụng tặng Vi tả thừa thập nhị trượng vận” của Đỗ Phủ, Nhượng Tống dịch.

Dưới bóng cây cổ thụ xanh tốt, nhà tranh giậu trúc trước mắt, suối chảy bao quanh, thật mát mẻ, đơn sơ không gì sánh được. Tuy biết rằng đây không phải là mấy gian nhà tranh trong bài “Mao ốc vị thu phong sở phá ca” (Bài ca về ngôi nhà tranh bị gió thu tốc) nổi tiếng của Đỗ Phủ, nhưng lại quá đỗi thân quen. Ví như ngôi nhà tranh này xây ở nơi khác, cùng là ngọn cỏ cành cây ấy, nhưng không thể ấp ủ ra mùi vị như ở nơi đây. Bởi vì nơi này toát lên một phong vận rơi rớt lại từ thời Đường, chỉ có ở thảo đường của Đỗ Phủ, nhà tranh của Thi thánh, mới có thể lĩnh ngộ được cảnh giới cao thượng “Anh đắc quảng hạ thiên vạn gian, Đại tí thiên hạ hàn sĩ câu hoan nhan” (Ước được nhà rộng muôn ngàn gian, khắp thiên hạ, kẻ sĩ nghèo đều hân hoan[13]), thấu hiểu được nỗi lòng rộng lớn thương xót thế gian của Đỗ Phủ. Sau cơn kinh tâm động phách, là một vùng yên tĩnh trúc biếc gió trong. Cảnh tượng điền viên thư thái: sân rào, vườn rau, giếng cổ, bàn đá… tuy chưa từng thấy, nhưng tựa như đã quen biết từ ngàn năm.

[13] Trích bài “Mao ốc vị thu phong sở phá ca” của Đỗ Phủ, Khương Hữu Dụng dịch.

“Hoa kinh bất tằng duyên khách tảo, bồng mông kim thủy vị quân khai.” (Chưa vì khách quét lối hoa, cửa bồng nay mới mở ra vì người[14]) Nhìn xuyên qua cánh cửa sổ bằng gỗ giản dị, bên trong hết sức thô mộc, tĩnh mịch. Ở thảo đường cách xa phiền lo sầu muộn này, nghìn năm trước chắc chắn đã từng có một bức tranh an nhàn tĩnh lặng như thế. Đỗ Phủ và người bạn cũ Nghiêm Vũ ngồi uống rượu trước bàn, người vợ già của ông đang hâm rượu bên lò, đứa con gái nhỏ đang dựa lan can buông cần câu cá.

[14] Trích bài “Khách chi” của Đỗ Phủ, Trần Trọng San dịch.

Lá chuối cuộn tròn, bóng trúc đung đưa, còn có một chú ve thu quên cả ca hát, chỉ mải ngắm họ đối ẩm vui cười. Mà tôi lúc bấy giờ, chỉ nguyện làm ông cụ hàng xóm của thảo đường, lụ khụ chống gậy tre, đeo một bình rượu cũ, khẽ gõ cửa sài, nói rằng: Lão hủ mang theo bình rượu lâu năm, cùng uống mấy chén, có được không? Thảo đường lúc này ngừng hết lại mọi lời than thở. Còn giấc mộng xưa Trường An của Thi thánh, cũng ngả nghiêng trong chén rượu, say mãi không tỉnh.

Rốt cuộc thảo đường vẫn không thể là mái ấm của cuộc đời Đỗ Công Bộ, ông trước sau vẫn thuộc về nhân gian khói lửa chiến tranh liên miên, đã định sẵn kết cục như cỏ bồng phiêu bạt. Ông đi rồi, mang theo trái tim lo lắng cho bách tính lê dân, rời xa khói thảo đường thô lậu này. Không biết, chuyến đi đó có phải là con đường nhỏ tường đỏ ngõ hẹp, trúc rợp lối đi này không? Không biết, dòng nước bèo trôi lãng đãng năm đó, đã già đi biết mấy tháng năm?

Chỉ là chuyến đi này sẽ không thể nào quay lại, còn thảo đường sẽ trở thành cố hương vĩnh viễn cho linh hồn ông. Cho dù là nghìn năm sau, hoặc trải qua nghìn năm nữa, những người đến đây, hoặc là những người chưa từng đến, đều biết rằng, ở thảo đương của Thành Đô đã từng có một vị Thi thánh ở đây, tên người ấy là Đỗ Phủ.

Tạm biệt một ngày vội vã trong thảo đường. Hãy nhớ rằng, cửa sài cùng uống rượu hoa mai, chân trời góc bể hỏi anh đường về.

Thảo đường Hoán Hoa

Là máy cành lau chim én ngậm mang về thời Đường.

Là một đoạn ký ức thời gian từ nghìn năm lướt qua

Thảo đường bên suối Hoán Hoa

Đã sớm được Thi thánh Đỗ Phủ

Viết thành một tập thơ giản dị

Đường hoa, cửa gỗ, đập nước, cầu đá

Phong cảnh mộc mạc biết bao

Đủ để an ủi trái tim sinh chẳng gặp thời

Giậu trúc nhà tranh

Mở toang nỗi lòng mênh mông

Chở che cho muôn ngàn hàn sĩ

Non nước nhàn tản của Thành Đô khi ấy

Đẹp hơn mộng tưởng huy hoàng của Trường An

Có thế dạy mây trắng buông cần câu cá

Có thế mời hoa mai nâng chén đối ẩm

Trên chiếc bàn sạch sẽ

Bày một chén rượu nồng người vợ già đã hâm

Bên lan can cũ kỹ

Thả chiếc cần câu của người và con nhỏ

Trên bàn cờ

Còn một ván cờ dang dở

Của người và bạn hữu năm nào

Nghìn năm trước

Thảo đường Thành Đô là thế

Nghìn năm sau

Thảo đường Thành Đô vẫn thế

Cho dù thi nhân đến đây

Hay là đã đi

Thảo đường vẫn mãi là cố hương của linh hồn người

Cho dù là người tha phương quay về

Hay là lữ khách

Cánh cửa ấy

Trước sau vẫn mở rộng đón người

Quyển thứ bảy: Hoàng thành Bắc Bình

Tử Cấm Thành được cả thế gian ngưỡng mộ, đã từng ngạo nghễ cúi nhìn thiên hạ, hô mưa gọi gió. Đến nay nó chỉ còn là một thành trì trống rỗng, cô đơn lặng lẽ soi bóng chính mình. Nhìn vào tòa hoàng thành này mới phát hiện, những thứ rút ra được chẳng qua chỉ là một vài mảnh vỡ rơi rớt của thời gian, thứ lấp đầy lại chính là những hồi ức dạt dào như nước. Hết thảy thành bại, đều có số kiếp, đế vương có số mệnh của đế vương, hoàng thành có nhân quả của hoàng thành. Lịch sử như một bộ kinh thư không chữ, đặt trên chiếc bàn rộng lớn của năm tháng, cần phải đọc nó bằng cả trái tim. Giữa vòng luân hồi định mệnh, chúng ta nhìn khách đến khách đi, duyên khởi duyên diệt. Ngắm vũ đài chiêng trống rộn rã, làm thế nào để diễn lại một đoạn phong vận kinh thành đã dần dần già cỗi…

Vào trong Tử Cấm Thành

Đây là một tòa thành mà bạn phải đi vào với sự nhiệt tình, xúc động, đây là hoàng thành mà bạn phải đi vào với dũng khí mạnh mẽ. Bạn vứt bỏ sự huyên náo lại sau lưng, giữ lại những suy nghĩ thuần khiết, Tử Cấm Thành sẽ mở rộng tấm lòng với bạn. Trong lịch sử thời gian và không gian biến đổi xáo động, tòa hoàng thành này đã dùng đại khí huy hoàng để đúc nên sự hiển hách và uy danh. Tựa như một hạt bụi lướt qua, sẽ hóa thành vạn tượng; một giọt mực lăn xuống, sẽ mặc ý mênh mông.

Cánh cửa cao dày của Cố Cung đã đóng chặt lại sau lưng đế vương, nhưng lại mở rộng trong đời sống của bách tính. Tử Cấm Thành bị hoàng quyền khóa chặt của ngày xưa, ngày nay, bình dân bách tính chỉ cần một tấm phiếu có in hình vật tượng trưng của Cố Cung là đã có thể sải bước đường hoàng tiến vào cung điện của hoàng đế, tùy ý thưởng ngoạn những phong cảnh đằng sau tường cao nhà sâu. Chính trong lúc bạn bước qua cánh cửa cung tráng lệ nguy nga đó của hoàng thành, bước vào ngưỡng cửa cao vời khôn tả của thâm cung, ký ức của Cố Cung giống như sông băng vỡ nứt, trong sát na, ào ạt cuồn cuộn chảy xô, băng qua ngàn dặm trên dòng sông lịch sử.

Tử Cấm Thành đã từng huy hoàng hiển hách, dẫu cho nay vẫn còn rực rỡ vàng son như cũ, nhưng đã trở thành một thành trì hư không. Ban ngày du khách huyên náo dạo chơi, ban đêm lại chỉ có những chiếc bóng của vong hồn quẩn quanh. Hai mươi tư vị hoàng đế trong sử sách, đã từng hô mưa gọi gió, ngông nghênh càn rỡ trên bầu trời chỉ thuộc về riêng mình. Còn văn võ bá quan, phi tần hậu cung và cung nữ thái giám trong cung hết đời này đến đời khác, chẳng qua chỉ là những hạt bụi phiêu lãng trong Cố Cung, một trận gió nhẹ cũng đủ quét sạch hết thảy, người đời sau còn có thể tìm thấy dấu tích gì trong ảo cảnh trong suốt đó? Chỉ có thể lờ mờ thấy bóng dáng hoa lệ năm nào trong những ngói lưu ly, những đá cẩm thạch và ngàn vạn con rồng sơn son thiếp vàng cùng vô số đồ trang trí biểu thị cho cát tường may mắn ở nơi này.

Hơi ấm trên long sàng của hoàng đế Sùng Trinh thời Minh vẫn còn đó, Sấm vương Lý Tự Thành phá thành xông vào, trong cơn máu nóng bốc đồng đã ngồi xuống ngai vàng. Giặc cỏ đánh bại đế vương, áo thô đổi lấy long bào, nhưng ông chẳng qua chỉ là một ngôi sao băng vụt qua bầu trời Tử Cấm Thành, dùng máu nóng để vạch nên một dấu ấn đỏ tươi, cuối cùng vẫn tan thành tro bụi. Trần Viên Viên thậm chí còn chưa kịp đến múa một khúc Nghê thường vũ y cho Lý Sấm vương thì tướng sĩ Bát Kỳ đã tràn đến như thác lũ, xóa sạch giấc mộng đế vương của Lý Tự Thành.

Vạn loại cuồng phong ập đến, đất vàng chôn lấp cổ đạo, khói súng bao phủ chiến trường, đao kiếm uống máu, chém giết thành sông, chia cắt núi non xã tắc. Những sợi dây thừng xiết chặt dục vọng, những lá cờ quạt giương cao quyền thế, dùng sự dã man tàn nhẫn để chiến thắng các bậc chí tôn vương giả, từ đây giã từ biên tái nghèo đói cằn cỗi, nắm chắc sơn hà, xưng đế thiên hạ ở lãnh thổ văn minh. Đại địa cuồng phong thét gào, đến khiếp nhược cũng trở thành kiên quyết; bầu trời không lửa cháy ngút trời, đến cái chết cũng thành bi tráng.

Cơn động loạn trôi qua là đến hòa bình tĩnh lặng, ngự liễn long bàn[1] của hoàng đế Đại Thanh chở đầy phú quý và vinh hoa, lăn bánh suốt mấy trăm năm trong Tử Cấm Thành. Sau thời kỳ đỉnh thịnh là u ám và im ắng, bắt đầu từ bao giờ, con em Bát Kỳ[2] vứt bỏ chiến mã, buông đao buông kiếm, đắm chìm trong các thú vui nuôi chim hát kịch, đua ngựa chọi dế trong hương ấp giàu có ấm êm. Trước tình hình thuyền chiến pháo lớn áp sát biên cương, những chiến mã mất hết ý chí chiến đấu vẫn còn có thể tung vó oai hùng như trên thảo nguyên năm nào sao? Những con em Bát Kỳ tiêu tan hùng tâm tráng chí vẫn còn có thể hùng dũng như ngoài biên ải hay sao?

[1] Ngự liễn long bàn: Xe của nhà vua

[2] Con em Bát Kỳ: Chỉ người Mãn Châu, những người đã lập lên triều đình nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc.

Giang sơn không phải là sắt thép đúc nên, hoàng thành không phải là sắt thép đúc nên, quốc thổ Đại Thanh cũng không thể không khuất phục dưới gót sắt của các cường quốc, khi hoàng đế cuối cùng của Đại Thanh - Phổ Nghi bị đuổi ra khỏi Tử Cấm Thành, Cố Cung thực sự trở thành một tòa thành trì chết chóc. Những cung điện rộng lớn nguy nga chỉ còn lại ký ức vỡ nát, mỗi một ngày đều nhìn thấy khói mây lịch sử bao trùm bầu trời Tử Cấm Thành, không dấu không vết, nhưng lại chẳng xua tan đi được.

Tử Cấm Thành đã trút bỏ long bào che lấp đi sự ngang tàng và trang nghiêm ngày nào, bạn có thể đường hoàng bước vào kim loan điện, ngạo mạn du lãm nơi đế vương thiết triều và cử hành đại lễ năm xưa. Thái Hòa điện, Trung Hòa điện, Bảo Hòa điện là trung tâm ngoại triều, cũng là ba tòa điện chính của Cố Cung. Trong đại điện trang sức lộng lẫy vàng son, trang nghiêm rực rỡ, những cánh cửa son chạm khỏa nạm vàng, hình rồng cuộn trên cột trụ tựa như đang tung người bay lên. Đế vương các đời ngồi trên bảo tọa khắc hình rồng, cả bá nghiệp của họ đã sớm rút khỏi vũ đài lịch sử, chỉ còn lưu lại một bóng dáng hoa lệ ấm áp và mấy tiếng thở dài đầy tiếc nuối mà thôi.

Xuân thu mấy độ, mây loạn bay qua, biết bao anh hùng vì tranh chiếc ngai vàng này mà máu chảy thành sông, xương trắng thành gò. Chớ nói ngồi trên chiếc long ỷ để thống trị thiên hạ, mà đến bức tường đỏ của Cố Cung còn chưa thể vượt qua đã cùng với cán cờ gẫy gập, chết nơi sa trường. Hùng đồ đại chí của họ rốt cuộc không cao hơn trời mây Tử Cấm Thành, trong lịch sử không có trận tranh đoạt nào không động phách kinh tâm, sau cơn cuồng loạn, cái lưu lại há chẳng phải là một sự thức tỉnh hay sao?

Lịch sử thực sự không dễ dàng chấp nhận những lời nói dối, cũng như cung Càn Thanh của Tử Cấm Thành, sáng rõ bằng phẳng, nhìn rõ ràng rành mạch những hiện tượng thế gian vẩn đục. Trên điện đường còn treo bức đại tự khảm vàng “Chính đại quang minh”, nó không có đôi mắt nuốt hận trời xanh, mà chỉ trong như gương sáng, soi rõ quá khứ khoáng đạt, bây giờ lại bị ánh sáng sắc lạnh của lưu ly rạch nát, bờ sông đế vương đã từng cuồn cuộn trôi không ngừng, nay đã nứt toác. Những vẫn còn một người khai hoang trác tuyệt, san bằng gò hoang hoa mỹ, tưới tắm máu nóng, trả lại con sóng trong vắt cho dòng sông. Đằng sau triều đường uy nghiêm tráng lệ, lại có cung điện hoa gấm như mây, cất giấu biết bao tuyệt đại hồng nhan của thiên tử.

Tử Cấm Thành được tô điểm bằng một bức tường cao hào nhoáng phú quý, giam cầm biết bao cám dỗ tuyệt diễm xinh tươi, lại khóa kín những linh hồn cô độc lạnh lẽo. Cung Khôn Ninh đã từng diễm lệ muôn vàn, đến nay lại yên tĩnh lạnh lẽo, chủ nhân hậu cung - bậc mẫu nghi thiên hạ uy nghiêm trong cuộc đời dài đằng đẵng từng được hoàng đế thương xót mấy lần? Ai cũng nói, sự dịu dàng làm hùng tâm mềm yếu, phú quý hủy hoại ước mơ, khi đế vương mệt mỏi với những cuộc chém giết thanh trừng, thì sao không quyến luyến với sự mềm dịu của phấn son lục cung? Một nụ cười của hồng nhan đã hơn cả thiên quân vạn mã, có biết bao quân vương siêu việt phi phàm, làm chìm đắm cơ đồ giang sơn huy hoàng rộng lớn chỉ trong một chén rượu nồng mỏng manh?

Ngự hoa viên là một vườn địa đàng chốn nhân gian, những đỉnh đài lầu gác, nhà thủy tạ mái hiên vàng son lộng lẫy dường như đã chiếm hết thảy mọi cảnh trí tươi đẹp trong thiên hạ. Ngự hoa viên là mê cung, cả Tử Cấm Thành đều là mê cung, người bước vào trong không chú ý sẽ lạc lối trong khung cảnh hư ảo đầy rẫy rồng bay phượng múa, oanh ca yến liệng. Nghe nói, toàn bộ bố cục kiến trúc Tử Cấm Thành đều được thiết kế, sắp đặt theo bố cục của tinh tướng, gồm chín nghìn chín trăm chín mươi căn phòng, giống như chín nghìn chín trăm chín mươi chín vì sao, giăng mắc chi chít trên bầu trời Tử Cấm Thành, kẻ ngoại lai như bạn vô tình bước vào, sao có thể không lầm đường lạc lối?

Trong quần tinh sáng chói, người khoác long bào, hào quang lóe ra muôn trượng đó chính là đế vương, Cố Cung của ngài chỉ có một vầng thái dương duy nhất. Chỉ có vầng thái dương này, tuy đã có quần tinh bao trùm, nhưng không thể nào mang lại hơi ấm cho từng người, giữa vạn vì sao, ngài trở nên cô độc khôn xiết. Những vẻ đẹp muôn hình muôn vẻ này được các họa sĩ cung đình đưa vào trong những đường nét hội họa, được văn nhân đưa vào trong thơ từ ca phú, được những nghệ nhân đưa vào đồ gốm. Đã từ khi nào, linh hồn của Tử Cấm Thành bị rút đi mất, chỉ còn trơ lại cái vỏ ngoài lưu ly lóng lánh, màu sắc sặc sỡ, chống đỡ cho toàn bộ tòa hoàng thành to lớn này.

Mặt trời lặn ngang lầu cao, ai là người vỗ vào lan can[3], trên khoen đồng của cánh cửa màu đỏ son đó, nay còn lưu lại hơi ấm bàn tay vị đế vương nào? Suy nghĩ như một chú ngựa cô độc, bạn hồi tưởng lại quá vãng, nhưng bỏ qua hiện tại, bạn đi tới hiện tại, nhưng lại đánh mất quá khứ. Đi qua lãnh cung im lìm, sẽ không vì hồng nhan mà buông những lời oán thán, dạo quanh những bậc thang bằng đá cẩm thạch trắng, sẽ không vì đế vương mà lưu lại những tình cảm hào hùng.

[3] Vỗ vào lan can: Có câu thơ rằng “Độc thư ngộ ngã tử thập niên, kỷ hồi túy bả lan can phách” (Đọc sách mà ta mê lầm mất bốn mươi năm, mấy phen say rượu gõ nhịp lan can), cho nên “vỗ vào lan can”, “gõ nhịp lan can” dùng để chỉ hành động vỗ vào, gõ vào lan can để phát tiết những ấm ức, phiền muộn không thể nói trong lòng.

Giữa đất trời là một vùng nghiêm túc vĩnh hằng cổ xưa, máu tươi xối xả cũng dần dần chậm rãi bình hòa trong tĩnh lặng. Dòng thủy mặc ý tuôn chảy nay đã nguội lạnh và ngưng đọng, đến hồng trần phiêu tán cũng tìm được chốn nghỉ ngơi. Tử Cấm Thành lúc này thâm sâu khôn tả, thâm sâu đến mức có thể dung nạp ngàn vạn thế giới; đồng thời cũng cô đơn vô cùng, cô đơn đến mức chỉ còn lại chiếc bóng của thời gian.

Ngẩng đầu ngắm trời sao, vầng trăng sáng treo trên bầu trời Tử Cấm Thành đã bị ai đó tước đi vòng hào quang, nhưng vẻ tĩnh mịch, thuần khiết, thiêng liêng vẫn còn đó. Dũng cảm bước vào tòa thành trống không, dùng một trái tim trong sáng để tạo nên kỳ tích, đón nhận thái bình thịnh thế. Khi quá khứ đã trôi qua trên bầu trời sao, khi vẻ đẹp như nước triều lên xuống, khi bước chân của bình minh đã tới gần, một vầng mặt trời sáng lạn đang lấp ló nhô ra, chiếu sáng cho khắp thảy non sông tuyệt mỹ.


Phan_1
Phan_2
Phan_3
Phan_4
Phan_5
Phan_6
Phan_7
Phan_8
Phan_9
Phan_10
Phan_11
Phan_12
Phan_14
Phan_15
Phan_16 end
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .
The Soda Pop